Teamwork là gì? Lợi ích khi làm teamwork

Teamwork là một hình thức làm việc quan trọng ở một số ngành nghề bởi giúp mang lại những hiệu quả cao trong công việc. Nhưng một số bạn trẻ hiện nay nhất là các bạn sinh viên vẫn chưa hiểu rõ teamwork là gì. Cùng tìm hiểu vấn đề này ngay trong phần trình bày sau bạn nhé!

Teamwork là gì? Đặc điểm của teamwork

Teamwork được hiểu là làm việc nhóm. Trong đó, tập hợp nhiều thành viên để phối hợp và tương tác với nhau rồi chia công việc chung thành những công việc nhỏ. Mỗi người sẽ được phân công nhiệm vụ đúng với khả năng và chuyên môn của mình để công việc hoàn thành nhanh chóng và đạt hiệu quả cao.

Vai trò của teamwork là giúp đỡ hỗ trợ lẫn nhau giữa các thành viên. Trong đó, nếu bạn không đủ chuyên môn để thực hiện công việc thì những người còn lại trong nhóm sẽ hỗ trợ. Từ đó giúp hoàn thành mục tiêu thành công như mong đợi.

Hình thức làm việc nhóm đóng vai trò quan trọng trong quản trị nhân sự hiện nay. Chính vì vậy mà trong thông tin ứng tuyển ở nhiều công ty lớn, nhỏ đều có yêu cầu kỹ năng làm việc nhóm. Điều này là yếu tố giúp các bạn trẻ rèn luyện kỹ năng này ngay từ khi còn học trên ghế nhà trường.

Các giai đoạn hình thành và phát triển của một đội nhóm diễn ra như sau:

Hình thành: Từ những cá nhân rời rạc nhau rồi tập hợp lại thành nhóm tạo mối quan hệ tình cảm ban đầu. Thông thường lúc này các thành viên thường có sự háo hức và không kém phần lo lắng.

Giai đoạn sóng gió: Ở giai đoạn này, các cá nhân bắt đầu va chạm với nhau, bộc lộ rõ tính cách và cái tôi. Nên đôi khi có những xung đột và nếu những cá nhân nào không thể chấp nhận được có thể bị đào thải trong giai đoạn này.

Giai đoạn chuẩn hóa: Những mâu thuẫn được dàn xếp và giải quyết rõ ràng. Hình thành những tiêu chuẩn chung để ổn định mối quan hệ giúp tin tưởng nhau hơn.

Thể hiện: Đây là giai đoạn được mong đợi cao nhất của teamwork. Vì các thành viên có sự gắn kết mạnh mẽ với nhau và trưởng thành hơn.

Những kỹ năng cần thiết để làm việc nhóm

Không đơn giản mà chúng có làm việc nhóm với nhau để đạt được thành công mà cần phải học hỏi một số kỹ năng cần thiết. Từ đó mới giúp bản thân có chỗ đứng trong đội nhóm của mình, chẳng hạn như sau:

Kỹ năng giao tiếp: Kỹ năng giao tiếp là không thể thiếu trong quá trình làm việc nhóm. Vì chúng ta phải khéo léo trao đổi, chia sẻ và đưa ra ý kiến trong lúc họp nhóm để mọi người đồng tình với những ý tưởng của mình.

Giải quyết xung đột: Kỹ năng này giúp các thành viên trong nhóm giải quyết những mâu thuẫn và bất đồng ý kiến với nhau trong công việc. Đặc biệt, đối với người trưởng nhóm thì kỹ năng này khá quan trọng để đứng ra hòa giải xích mích giữa các thành viên.

Kỹ năng lắng nghe: Khi họp nhóm trao đổi công việc thì hẳn là phải có người nói và có người nghe. Vì vậy, đòi hỏi bạn phải có kỹ năng lắng nghe để nắm bắt những thông tin mà người khác trình bày thì mới hiểu rõ và đưa ra ý kiến. Tất cả là để đóng góp giúp cho mỗi cá nhân được hoàn thiện hơn.

Trách nhiệm với công việc: Để nhận được sự tin cậy của các thành viên trong nhóm thì hẳn là bạn phải làm việc có trách nhiệm, hoàn thành đúng thời hạn. Đặc biệt để teamwork của mình ngày càng phát triển thì mỗi thành viên đều phải có tinh thần chủ động trong công việc.

Những vấn đề thường gặp khi làm việc nhóm

Có những vấn đề khi làm việc nhóm mà hầu hết bất kỳ nhóm nào cũng đều gặp phải. Nổi bật nhất là những yếu tố thường thấy như sau:

Ngại đưa ra ý kiến và không tập trung: Đây là vấn đề diễn ra thường xuyên khi họp nhóm, thường thì chỉ có một người trình bày và đưa ra ý kiến mà người đó là leader. Những thành viên còn lại thường chỉ ngồi nghe và ngại đưa ra ý kiến hoặc chỉ làm việc riêng.

Ít tương tác với nhau: Đây là thời đại công nghệ nên hầu hết việc trao đổi giữa các thành viên thường diễn ra qua skype, zalo, chatwork mà ít khi có sự trao đổi trực tiếp. Điều này tạo khoảng cách làm cho các thành viên ít gắn kết với nhau.

Xung đột ý kiến với nhau: Hầu hết ở nhóm nào cũng ít nhiều có những ý kiến trái chiều tạo sự xung đột với nhau. Nhưng cần nhất là chúng ta biết cách hòa hợp để tạo sự thống nhất nhằm đưa ra phương án cuối cùng.

Phân chia công việc không đồng đều: Điều này cũng thường thấy trong nhiều teamwork. Đây thường là trách nhiệm của người trưởng nhóm bởi không biết cách phân công nhiệm vụ, công việc phân bố không đồng đều và bố trí việc không đúng với năng lực khiến các thành viên đôi khi mơ hồ. Từ đó ảnh hưởng đến tiến độ và công việc không đạt hiệu quả cao.

Phần thông tin là những chia sẻ bổ ích để giúp các bạn có thể hiểu rõ teamwork là gì. Qua đây chúng ta còn hiểu rõ những kỹ năng nào cần thiết cho công việc để từ đó rèn luyện tốt cho mình trước khi bắt đầu ứng tuyển tại các công ty.